Lịch sử Yên_(nước)

Lập quốc

Thời kỳ Tây Chu

Tầng lớp quý tộc nhà Chu cùng tầng lớp quý tộc bản địa cũ của Thương khi đó sinh sống tại đây đã cùng nhau lập ra chính quyền liên hợp, trên một dải đất bao gồm vùng Ký Bắc (Liêu Tây). Sau đó Yên tiêu diệt các tiểu quốc như Kế, cổ Hàn. Sử sách cho rằng khu vực này vốn là đất đai của Đông Hồ bị người Hán chiếm đóng.

Thời kỳ Xuân Thu

Giản đồ các nước cuối thời Xuân Thu

Nước Yên từ khi lập quốc trở đi chỉ là vùng đất có nền kinh tế-văn hóa kém phát triển, tại thời kỳ đầu Xuân Thu bị các dân tộc du mục phương Bắc xâm nhập nhiều lần, đứng trước nguy cơ mất nước. Khoảng thế kỷ 7 TCN, người Sơn Nhung trước sau mấy lượt tiến xuống phía Nam, công phạt các nước Trịnh, Yên, Tề, kết quả đến thời Yên Hoàn hầu nước Yên buộc phải dời đô tới Lâm Dịch để tránh bị Sơn Nhung xâm chiếm, tàn phá.

Thời Yên Trang công, người Sơn Nhung từng mở chiến dịch quân sự lớn xâm lược Yên. Với sức mạnh quân sự yếu kém, Trang công không thể địch nổi Sơn Nhung, phải sai sứ sang nước Tề cầu viện. Nước Tề khi đó do Tề Hoàn công cai trị đã áp dụng chính sách "tôn vương nhương di" đem quân đội sang cứu, giúp cho Yên thoát khỏi vận mất nước. Tề Hoàn công lấy lý do cứu Yên xuất quân chinh phạt Sơn Nhung, nhân cơ hội đó cũng đánh chiếm và tiêu diệt các quốc gia/bộ lạc du mục phương Bắc khác như Cô Trúc, Lệnh Chi, Vô Chung. Khi rút quân về nam, Tề Hoàn công giao lại lãnh thổ 3 nước này cho Yên Trang công. Từ đó lãnh thổ nước Yên được mở rộng thêm.

Thời Yên Huệ công (Tả truyện ghi là thời Yên Giản công), nội bộ nước Yên phát sinh nguy cơ chính trị do Huệ công trọng dụng các quan lại nguồn gốc thấp hèn làm "chư đại phu", điều này đã gây ra sự bất bình và phản đối mãnh liệt của tầng lớp quý tộc nguồn gốc cao quý. Huệ công bất đắc dĩ phải chạy trốn sang nước Tề tị nạn. Chư đại phu nước Yên lập ra vua mới là Yên Điệu công để đối lại với Huệ công đang ở Tề. Do liên minh Tề-Tấn có sự chia rẽ trong sách lược đối với Yên nên nước Tề cuối cùng đã phải công nhận vị quân chủ mới của Yên thay cho Huệ công.

Quật khởi

Đầu thời kỳ Chiến Quốc, các quốc gia khác lần lượt tiến hành cải cách, duy chỉ có nước Yên là không quan tâm tới điều đó và rơi vào tình trạng lạc hậu, kém phát triển. Nhân cơ hội đó nước Tề tìm cách mở rộng về phương bắc, bất ngờ tấn công nước Yên và năm 380 TCN, Tề chiếm đoạt vùng Tang Khâu của Yên. Tuy nhiên, năm 373 TCN, tại Lâm Doanh (Lâm Hồ) nước Yên đã đánh bại Tề.

Năm 355 TCN, nước Tề lại xâm lược vùng đất ven sông Dịch Thủy của Yên. Được ba quốc gia Hàn, Triệu, Ngụy chi viện nên Yên đã đẩy lui cuộc xâm lăng của Tề, ngăn cản dã tâm của nước này. Tuy nhiên, tại phía bắc thì Yên vẫn bị Đông Hồ uy hiếp, nên chiến thuật chính của Yên tại phía bắc chủ yếu vẫn là phòng ngự.

Cực thịnh

Giản đồ các nước thời Chiến Quốc[3]

Yên Khoái nhượng quốc

Năm 323 TCN, Yên Dịch công tham gia hoạt động Ngũ quốc xưng vương do Công Tôn Diễn đề xuất, cùng các nước như Hàn, Ngụy, Triệu, Trung Sơn. Cùng năm đó Dịch công xưng Vương, tức Yên Dịch vương. Hai năm sau, Dịch vương chết, con là Cơ Khoái kế vị.

Yên vương Khoái nối ngôi được 3 năm, tức tới năm 318 TCN, nghe theo kiến nghị của Lộc Mao Thọ, nhường ngôi cho tướng quốc Tử Chi. Ông cũng thu hồi toàn bộ ấn quan của các quý tộc, giao hết công việc triều chính cho Tử Chi. Điều này làm cho thái tử Bình cùng các cựu quý tộc không tâm phục, khẩu phục.

Năm 314 TCN, họ khởi binh tấn công Tử Chi nhưng bị thất bại. Thái tử Bình cùng tướng quân Thị Bị đều chết trong đám loạn quân[4]. Việc này đã làm cho nhân tâm trong nước Yên chia rẽ, sức mạnh của Yên bị giảm sút nghiêm trọng. Tề Tuyên vương theo kế của Mạnh Tử nhân cơ hội này chinh phạt Yên. Tướng quân Khuông Chương đem quân đánh chiếm kinh đô của Yên. Nước Yên đại bại, đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt và Yên vương Khoái cùng Tử Chi đều bị giết[5]. Đồng thời, nước Trung Sơn nhân cơ hội này cũng đem quân đánh chiếm một bộ phận lãnh thổ nước Yên. Do quân và dân Yên kiên trì chiến đấu, cùng với việc các nước Triệu, Hàn, Tần, Sở liên tục gây áp lực nên cuối cùng Tề phải rút quân. Nước Triệu lập con tin của Yên tại Hàn là công tử Chức làm vua Yên, sau đó hộ tống ông này về Yên, đó là Yên Chiêu vương.

Chiêu hiền đãi sĩ

Chiêu vương lên ngôi với quyết tâm phục hưng nước Yên để chờ cơ hội báo thù nhục nước. Ông áp dụng các kiến nghị của Quách Nguy, trong đó có việc chiêu hiền đãi sĩ. Ông bái Quách Nguy làm thầy, hết sức kính trọng và ưu đãi, nhờ đó nhiều người có tài năng tìm đến, trong số này có Tô Tần, Nhạc Nghị, Trâu Diễn.

Chân dung Yên Chiêu vương của người sau mô phỏng.

Chiêu vương cùng bách tính đồng cam khổ, viếng thăm người mới khuất, thăm hỏi người mồ côi, sau lại dùng Nhạc Nghị làm á khanh để chủ trì công việc trong nước, nên chẳng quá 28 năm sau đã biến một nước Yên nhược tiểu thành một nước Yên hùng mạnh.

Phá Tề

Chiêu vương sau đó phái Tô Tần đi sứ sang Tề, trước hết thuyết phục Tề Tuyên vương trả lại cho Yên những vùng đất và thành trì mà trước đó Tề đã nhân cơ hội nước Yên có nội loạn để chiếm đóng, sau đó khuyên vua Tề tấn công nước Tống, li gián quan hệ hai nước Tề-Triệu. Tô Tần sau lại tới chỗ Triệu Vũ Linh vương, Ngụy Tương vương, Sở Hoài vương, Hàn Tương vương tiến hành du thuyết, ngoại giao.

Năm 286 TCN, Tề Mẫn vương diệt nước Tống, làm chấn động các nước khác. Vì thế liên minh chống Tề hình thành. Năm 284 TCN, Chiêu vương bái Nhạc Nghị làm thượng tướng quân, chỉ huy liên quân gồm Yên và 4 nước Tần, Hàn, Triệu, Ngụy chinh phạt Tề và giành thắng lợi, giết chết Tề Mẫn vương và chỉ trong vòng 5 năm đã hạ trên 70 thành trì của Tề, trả thù mối hận nước Tề xâm chiếm nước Yên trước đó.

Sau đó, tại lãnh thổ của Tề tách ra thành 2 kinh đô là Cử (nay là huyện Cử, địa cấp thị Nhật Chiếu tỉnh Sơn Đông) và Tức Mặc.

Phạt Hồ

Thời kỳ Yên Chiêu vương, có tướng Tần Khai (秦开), phải sang Đông Hồ làm con tin. Sau khi về nước, Tần Khai khởi binh tập kích, đại phá Đông Hồ. Đông Hồ phải lui trên 1.000 dặm, kết quả vùng lãnh thổ phía đông của Yên được mở rộng trên 1.000 dặm. Nước Yên cho sửa sang, xây đắp trường thành phía bắc. Trường thành này khởi đầu từ phía tây tại Tạo Dương (nay thuộc đông bắc quận Tuyên Hóa, địa cấp thị Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc), kéo dài về phía đông tới Tương Bình (nay là phía bắc Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh)[6].

Suy yếu

Thất bại ở Tề

Năm 278 TCN, Yên Chiêu vương chết, thái tử kế vị, tức là Yên Huệ vương. Khi còn là thái tử, Huệ vương không hòa hợp với Nhạc Nghị. Tướng quốc nước Tề khi đó là Điền Đan nhân cơ hội quân thần nước Yên không hòa hợp nhau đã thực thi kế phản gián làm Huệ vương bị mắc bẫy, dùng Kị Kiếp thay thế Nhạc Nghị. Nhạc Nghị lo sợ bị giết hại nên chạy sang nước Triệu.

Kị Kiếp thực tế là người không có tài năng nhưng lại được thay Nhạc Nghị làm tướng, làm cho quân sĩ nước Yên dao động. Điền Đan lại cố ý dụ cho Kị Kiếp phạm sai lầm, đồng thời khích lệ chí khí quân Tề. Năm 279 TCN Điền Đan dùng "hỏa ngưu trận" một trận đánh bại quân Yên. Kị Kiếp bị quân Tề giết chết, quân Yên tháo chạy. Nhờ đó nước Tề thu hồi lại trên 70 thành bị mất trước đó. Năm 272 TCN, nội bộ tập đoàn thống trị nước Yên phát sinh mâu thuẫn, Huệ vương bị tướng Công Tôn Tháo giết chết rồi lập con Huệ vương làm Yên Vũ Thành vương, một vị vua bù nhìn.

Chiến tranh Yên-Triệu

Trải qua thời kỳ trị vì của 3 vị vua là Yên Vũ Thành vương, Yên Hiếu vương và Yên vương Hỉ, các vị vua Yên thường theo ý của nước Tần hay thừa cơ nước Triệu nguy nan để tiến hành các cuộc chiến, cướp đoạt đất đai. Năm 265 TCN, nhân lúc nước Triệu có sự thay đổi quân chủ với triều chính bất ổn, nước Tần chiếm lấy 3 thành, Yên cùng Tần từ hai phía nam bắc giáp công. Nước Tề sai tướng quốc Điền Đan xuất quân cứu Triệu. Sau khi ở phía tây cầm cự được với quân Tần thì liên quân Triệu-Tề tấn công Yên, chiếm vùng Trung Dương (nay là huyện Đường, địa cấp thị Bảo Định, tỉnh Hà Bắc) của Yên. Năm 259 TCN, nhân cơ hội nước Triệu đại bại trong trận Trường Bình, Yên dụ dỗ vũ viên lệnh ở phía bắc của Triệu là Phó Báo, Vương Dung, Tô Xạ dẫn người sang hàng Yên. Yên vương vui mừng, lần lượt vào các năm 251 TCN245 TCN đã sai Lật Phúc, Kịch Tân tấn công Triệu, nhưng bị quân Triệu đánh bại, sau đó Triệu phản kích bao vây kinh đô của Yên, nước Yên buộc phải cắt đất cầu hòa. Năm 236 TCN, Triệu một lần nữa xuất quân phạt Yên, tấn công Thủ Li, Dương Thành. Kết quả Yên lần lượt thất trận, rơi vào thế suy vong. Nước Tần lấy cớ cứu Yên bất ngờ xuất quân chiếm đất của Triệu.

Diệt vong

Năm 230 TCN, Tần diệt Hàn. Năm 228 TCN, quân Tần chiếm kinh đô của Triệu là Hàm Đan, tiến sát nước Yên, thành trì nước Yên lúc này trở thành mục tiêu tấn công của quân Tần. Để đối lại, tập đoàn thống trị nước Yên bày ra 2 đối sách: thứ nhất dùng mưu giết Tần vương; thứ hai là cùng tàn dư thế lực của Triệu là Đại vương Gia liên hợp chống Tần. Thái tử Đan nước Yên từng có thời cùng Tần Doanh Chính làm con tin tại Triệu, sau khi trở về nước Yên ông cho tìm người làm thích khách và gặp Kinh Kha. Năm 227 TCN, thái tử Đan tiễn Kinh Kha cùng trợ thủ là Tần Vũ Dương mới 13 tuổi tới bờ sông Dịch Thủy ở Yên Thành (nay là huyện Dịch, tỉnh Hà Bắc). Kinh Kha ứng tác hai câu thơ:

Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hànTráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn

Dịch

Gió hiu hắt chừ, Dịch thuỷ lạnh ghêTráng sĩ ra đi chừ, không bao giờ về

Sau đó Kinh Kha định giết Tần vương Doanh Chính nhưng không thành. Vì sự kiện này mà quân Tần quyết định tấn công Yên ngay.

Cùng năm, vua Tần hạ lệnh đại tướng Vương Tiễn, Tân Thắng dẫn quân công phá Yên. Tại Dịch Thủy, quân Yên đại bại, lãnh thổ nước Yên bị quân Tần chiếm quá nửa. Năm 226 TCN, quân Tần công phá Kế Thành, Yên vương Hỉ cùng thái tử Đan dẫn quân lui về Liêu Đông, tướng Tần là Lý Tín xuất quân truy đuổi. Lý Tín nghĩ ra một kế, bèn kể tội thái tử Đan để Yên vương Hỉ giết thái tử, dâng thủ cấp để cầu hòa.Lý Tín giả cho quân rút đi cho Yên yên tâm,sau đó phản công bất ngờ làm cho Yên trở tay không kịp,Yên vương Hỉ bị bắt.,nước Yên diệt vong. Tại vùng đất quân Tần chiếm được, vua Tần cho thành lập các quận Ngư Dương, Hữu Bắc Bình, Liêu Tây. Năm sau lại lập quận Thượng Cốc, Quảng Dương.